Hồ cá dưới cầu thang: nên hay không nên?

Hồ cá dưới cầu thang: nên hay không nên?

Các gia đình Việt thường có thói quen xây hồ cá dưới cầu thang. Thường là để tối đa hóa không gian trống bên cạnh giải pháp không gian chứa đồ. Vậy việc làm này có nên hay không?


Trong khoa học phong thủy, không có những quy định cụ thể “tốt” hay “xấu” đối với việc đặt hồ cá ở khu cầu thang. Tùy thuộc vào từng gia chủ và bố trí công năng trong nhà mà có các vị trí sao cho phù hợp. Do đó khi quyết định làm hồ cá, cần phải xét từng trường hợp cụ thể.

Về cơ bản, khu vực gầm cầu thang thuộc “âm”. Khu này thường ít sáng, nhiều bụi và hơi ẩm tù đọng. Đường chéo gầm cầu thang thường không thuận lợi để bố trí các không gian cho sinh hoạt vốn cần thoáng đãng. Do đó, trong nhà, nếu vì diện tích eo hẹp thì có thể tận dụng không gian gầm thang để làm kho hay tủ đồ (cũng thuộc âm). Một vài trường hợp bố trí phòng vệ sinh, tất nhiên phải tính toán khoảng thoát đầu dưới thang và chỉ là dạng vệ sinh phụ.


Hồ cá cảnh vốn thuộc hành Thủy, chứa đựng tính linh hoạt của nước và cần thoáng đãng. Đây không chỉ là nơi nuôi cá mà còn dành cho việc nhìn ngắm, chăm sóc cá, tính dương nhiều hơn. Làm hồ cá dưới gầm thang dễ dẫn đến việc nơi này vốn ẩm càng thêm ẩm và cũng khó khi dọn rửa, khó nhìn ngắm tiểu cảnh một cách trọn vẹn.

Tuy nhiên, nếu cầu thang thuộc loại thoáng như dạng xương cá hoặc cầu thang ngoài trời, có khoảng trống xung quanh đủ rộng, đủ ánh sáng thì hoàn toàn có thể làm hồ cá hay hồ nước bên dưới. Vì vậy, cần xem xét cụ thể vị trí, quy cách cầu thang để tìm ra cách thức làm hồ cá – tiểu cảnh có nước sao cho phù hợp với phong thủy và tiện dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Tùy theo điều kiện của từng ngôi nhà, bạn có thể tận dụng gầm cầu thang thành một vườn cây nhỏ, hòn non bộ hay hồ nuôi cá cảnh. Sự kết hợp giữa cây xanh, đá, sỏi, thác nước cùng những con vật như cá cảnh, chim cảnh sẽ tạo nên một không gian sống động, tràn đầy thiên nhiên trong ngôi nhà của bạn.

Để xây dựng tiểu cảnh, bạn nên xây gờ ngăn cách bằng gạch, đá. Dưới gầm cầu thang thường thấp, vì vậy nên trồng những cây nhỏ, kiểu dáng và màu sắc vui tươi, sống tốt ở điều kiện trong nhà.

Bạn nên thường xuyên cắt tỉa rau rửa lá cây để tránh bị bụi bẩm báo vào. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trang trí tiểu cảnh bằng những viên đá cuội, sỏi nhỏ hay các gốc cây gỗ liễu…

Tiểu cảnh nước trong nhà thường được thiết kế ở những vị trí trung tâm như giếng trời, gầm cầu thang, gồm đầy đủ các yếu tố nước, cây xanh, đá sỏi… giúp điều hoà khí hậu, tạo cảm giác sinh động cho ngôi nhà với sức sống của cây xanh, sinh vật cảnh dưới nước.

Để tạo sự hài hòa với các yếu tố tự nhiên trong tiểu cảnh, nên trang trí bức tường bằng đá tự nhiên. Một yếu tố quan trọng khác là tạo ánh sáng cho cây hấp thụ. Bạn nên lắp kính trên mái để lấy ánh sáng tự nhiên. Trong trường hợp căn nhà không thể lấy ánh sáng tự nhiên, bạn nên dùng đèn day-light.

Nguồn: tổng hợp và biên tập từ nhiều nguồn.